Dâu tây Đà Lạt có màu đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng, trong khi đó dâu tây Trung Quốc lại cho màu đỏ sậm từ đầu đến cuống, trông rất đẹp mắt.
Vừa qua, Công an huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) thông tin, trong ngày 22-7, đơn vị đã bắt giữ một lượng lớn dâu tây không có hóa đơn chứng từ, không rõ xuất xứ và không có giấy kiểm dịch thực vật hợp quy, ngay tại Cảng hàng không Liên Khương.
Qua quá trình kiểm tra, công an phát hiện trên các xe ô tô có tổng cộng hơn 600 thùng dâu tây tươi. Trên các thùng xốp đều có chữ Trung Quốc được đóng gói cẩn thận, bên trong từng gói dâu được đóng gói đẹp mắt. Các tài xế khai nhận chỉ là người chở thuê.
Theo nghi vấn ban đầu, số dâu tây này được các thương lái ở Đà Lạt nhập về để giả mạo xuất xứ dâu Đà Lạt, nhằm kiếm lời từ các du khách du lịch. Hiện tại Đà Lạt đang mùa mưa nên sản lượng dâu bị suy giảm, trong khi đó, kỳ nghỉ hè này nhu cầu du lịch lại tăng vọt.
Nhằm giúp người tiêu dùng và du khách không bị mua nhầm dâu tây Trung Quốc gắn mác dâu Đà Lạt, Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã thống kê các đặc biệt nhận dạng để phân biệt hai loại dâu tây này.
Cụ thể, dâu tây Đà Lạt có hình dáng quả không đồng đều, kích thước quả vừa phải, không quá to, quả mền, không nhẵn mịn. Trong khi đó dâu Trung Quốc, có độ đồng đều cao, quả to, quả có độ cứng, mịn.
Về màu sắc, dâu tây Đà Lạt có màu đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng. Dâu tây Trung Quốc lại cho màu đỏ sậm từ đầu đến cuống, trông rất đẹp mắt.
Phần đài quả, dâu tây Đà Lạt có phần đài mỏng ngắn, phủ một phần trên trái dâu, có màu xanh nhạt. Những đặc điểm này, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy khi mua dâu Trung Quốc, bởi phần đài quả của dâu Trung Quốc dày, rất mướt, phủ đến hơn một phần ba trái dâu và có màu xanh đậm như màu lá ngót.
Với phần thịt bên trong, dâu tây Đà Lạt sẽ có màu đỏ nhạt, có màu trắng đan xen. Dâu tây Trung Quốc lại sở hữu phần thịt có màu đỏ đậm hơn, không có màu trắng đan xen.
Về mùi vị, dâu tây Trung Quốc không có mùi thơm, khi ăn có cảm giác bở, không có vị chua thanh, trong khi đó dâu của Việt Nam lại có mùi thơm đặc trưng, khi ăn mềm dai, có vị chua thanh.
Ngoài ra, người tiêu dùng còn có cách nhận biết khác là dâu Trung Quốc có thể để từ 7 đến 10 ngày trong môi trường nhiệt độ 25-32 độ C mà vẫn còn tươi mới, trong khi dâu Đà Lạt chỉ để tối đa 2 ngày là héo hoặc thâm hết cuống.
Theo PLO/Hạ Quyên