Dạo gần đây, dân mạng tranh cãi gay gắt chuyện gọi Đà Lạt là “Dallas”, tên tiếng Việt chẳng đẹp hay sao mà cứ thích vay mượn từ nước ngoài?
Nhiều người nghĩ gọi như thế nghe thật “sang mồm” và mang tính chất vui vẻ là chính. Số khác lại bày tỏ sự phẫn nộ khi cho rằng Đà Lạt và Dallas là 2 địa danh chẳng hề liên quan gì đến nhau.
Có những người còn hay gọi Đà Lạt với những cái tên khác với dallas như: dalat, dallat,…
Nhắc tới hai chữ Đà Lạt, nhiều du khách không khỏi xuyến xao trong lòng bởi lẽ ở Việt Nam, hiếm địa điểm du lịch nào mang cái “chất” riêng khó lẫn lộn như thành phố này. Du lịch Đà Lạt vì thế cũng được xem là ước mơ của biết bao người, đi một lần thì sẽ “nghiện” và còn muốn đến lần 2, lần 3…
Sự biến tướng trong cách gọi Đà Lạt là Dallas
Trên mạng xã hội, chắc hẳn bạn từng ít nhất 1 lần nghe người ta gọi Đà Lạt là “Dallas”. Những người đó cho rằng cách phát âm này có phần vui tai, đọc lên thấy “sang mồm” và thực ra chỉ mang tính chất vui vẻ là chính, chẳng ảnh hưởng đến ai. Trên nhiều bài đăng trong các group du lịch trên Facebook, Instagram có người còn gắn hẳn hashtag #Dallas trong các bài viết liên quan như tên một địa danh thay thế cho Đà Lạt.
Hàng loạt bài đăng trong các group du lịch lớn đều gọi Đà Lạt là “Dallas” theo một cách khẳng định điều đó là đúng. Dưới phần bình luận, có không ít người lên tiếng phản ứng trước vấn đề này.
Những người này “hồn nhiên” gọi Đà Lạt là Dallas trên các bài đăng của mình.
Tuy vậy, cách đặt tên “quốc tế hoá” này từng khiến dân mạng nổ ra tranh cãi không ít lần. Đa phần các bài đăng liên quan đến vấn đề “có nên gọi Đà Lạt là Dallas?” đều nhận về hàng chục nghìn reactions cùng hàng trăm bình luận trái chiều từ cộng đồng mạng. Ai cũng có những lý lẽ của riêng mình.
Điển hình như:
- “Có người ghét thì cũng có người thích thôi mà, quan trọng địa danh họ đang muốn nhắc tới vẫn là Đà Lạt và ai cũng hiểu.”
- “Thích thì gọi thôi, Việt Nam thiếu gì địa điểm cũng bị biến tướng cách đọc tên như vậy? Vui mồm thì đọc chứ ảnh hưởng gì đâu?”
- “Các bạn cứ thích quan trọng hoá vấn đề nhỉ? Vậy Hong Kong bên hông chợ Đà Lạt sao không dị ứng đi? Gọi tiếng lóng nghe thêm phần thú vị cho 1 địa danh thôi mà!”
- “Dallas là cách gọi của mấy bạn không có tiền nhưng thích đi du lịch nước ngoài đúng không?”
- “Thật sự mà nói thì có một số người bị hiệu ứng đám đông, nghe gọi sao thì nhại theo như vậy chứ chẳng hề biết Dallas vốn là địa danh nào đâu.”
- “Bữa trong group có một chị hỏi nên đi Dallas bằng xe nào? Mình chỉ vào nhẹ nhàng khuyên chị nên bắt máy bay mà đi, chứ Dallas cách nửa vòng Trái Đất xa thế thì sao mà đi xe cho được!”
Hàng loạt bài đăng trên các group du lịch nổi tiếng hoặc của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bày tỏ sự không hài lòng về cách gọi tên Đà Lạt có phần “sính ngoại” này.
Có nên gọi Đà Lạt là Dallas chỉ vì “vui tai”, “sang mồm”?
Theo nhiều tài liệu ghi chép, tên gọi Đà Lạt được bắt nguồn từ “Đạ Lạch”, có nghĩa là nước hay suối của người Lạch (Lát). Đây cũng là tên gọi của con suối Cam Ly, khởi nguồn từ huyện Lạc Dương và chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng bắc – nam, trong đó đoạn từ hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch.
Theo ngôn ngữ của người Thượng, Đạ hay Dak có nghĩa là nước. Người Lạch (hay còn viết Làc, Lat, M’Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kơ-ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Bian. “Lạch” theo tiếng địa phương còn có nghĩa là “rừng thưa” dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Bian trải dài xuống phía tây nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay.
Khi người Pháp bắt đầu đến đây và kiến thiết thành phố, bằng cách tách các chữ cái rời ra, họ đã sáng tạo một khẩu hiệu bằng tiếng La Tinh để giải thích khéo léo cho tên gọi của thành phố: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa là “Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khoẻ”. Ghép các ký tự đầu của câu nói nổi tiếng này lại, ta có chữ “Dalat” như bây giờ.
Trong khi đó, Dallas (thường đọc như “Đa-lát”) là thành phố lớn thứ 3 của tiểu bang Texas và lớn thứ 9 tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng nằm trong danh sách 11 thành phố đẳng cấp thế giới được Tổ chức Globalization and World Cities Study Group & Network xếp hạng.
Như vậy có thể thấy, tên gọi Đà Lạt có nguồn gốc và lịch sử hình thành hết sức lâu đời, chứa đựng bao giá trị văn hoá truyền thống từ thuở “khai thiên lập địa” của cộng đồng cư dân nơi đây cũng như của một bộ phận người Pháp trong quá trình kiến thiết thành phố, góp phần tạo nên địa điểm du lịch nổi tiếng như ngày nay.
Hơn nữa, ngoài cách phát âm có phần giống nhau thì Dallas là một địa điểm không liên quan gì đến Đà Lạt, lại còn nằm cách nhau tận nửa vòng Trái Đất, chẳng hề có nét tương đồng với nhau về không khí, cảnh quan. Trong không ít trường hợp, cách gọi Dallas từng khiến nhiều người nước ngoài hiểu sai về địa danh của Việt Nam, gây ra không ít nhầm lẫn trên mạng xã hội.
Cách gọi Đà Lạt thành Dallas khiến một cô gái người nước ngoài lầm tưởng “địa điểm của Việt Nam nhưng lại nằm tít ở Mỹ ư?”
Từ nay, bạn có thể thoải mái gọi nơi đây là thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, tiểu Paris, xứ hoa anh đào…, hoặc quen thuộc hơn vẫn là hai chữ “Đà Lạt” thân thương!
Tóm lại
Dallas là thành phố, là quận của tiểu bang Texax nước Mỹ. Đây là trung tâm kinh tế, văn hóa trọng điểm, là nơi nổi tiếng với các tập đoàn viễn thông – công nghệ và ngân hàng nổi tiếng.
Đà Lạt và Dallas là hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất, một tây một ta, khác nhau cả về cách viết hay cách đọc. Chỉ khi tên mình được viết theo tiếng Anh là Dalat thì gượng ép nhau bảo rằng giống.
Đà Lạt là Đà Lạt, Đà Lạt không phải là Dallas. Hãy văn minh trong cách gọi chính là tôn trọng bản thân mình.